- 1. Kanso (簡素) – “less is more” - ít đi để tận hưởng nhiều hơn
- 2. Shizen (自然) – Chạm tay đến thiên nhiên
- 3. Seijaku (静寂) – Sự tĩnh lặng bên trong
- 4. Fukinsei (不均整) – những điểm “bất đối xứng” cân bằng
- 5. Wa (和) - Sự hài hòa cân đối
5 triết lý mỹ thuật ứng dụng trong kiến trúc Nhật Bản
Kiến trúc Nhật Bản chính là điển hình của chủ nghĩa tối giản ở phương Đông. Hầu hết các thiết kế của người Nhật đều vận dụng 05 triết lý mỹ thuật chính: Kanso (簡素), Shizen (自然), Seijaku (静寂), Fukinsei (不均整) và Wa (和). dghome sẽ cùng bạn tìm hiểu kỹ hơn về những triết lý này thông qua bài viết dưới đây.
1. Kanso (簡素) – “less is more” - ít đi để tận hưởng nhiều hơn
Kanso chính là sự đơn giản, mộc mạc. Theo triết lý Kanso, kiến trúc Nhật không lựa chọn trang trí cầu kỳ mà áp dụng tiêu chí đơn giản mộc mạc, thể hiện rõ ràng từng đường nét và làm nổi bật chức năng của không gian. Với quan điểm “less is more” (ít đi để tận hưởng nhiều hơn), các thiết kế được lược bỏ những chi tiết rườm rà để giảm tải sự lộn xộn, giúp ngôi nhà trở nên rộng rãi và thoáng đãng hơn.
2. Shizen (自然) – Chạm tay đến thiên nhiên
Những năm gần đây, nhu cầu thiết kế nội thất với chủ nghĩa tối giản, đem lại không gian thoáng đãng, gần gũi với tự nhiên tăng lên nhanh chóng khi chúng ta ở trong nhà nhiều hơn. Ứng dụng của triết lý Shizen trong kiến trúc Nhật Bản đem đến một không gian sống với những khung cửa sổ lớn, vừa kết nối thiên nhiên thư thái, vừa tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên cho ngôi nhà.
Ngoài ra, đối với người Nhật, việc sử dụng chất liệu tự nhiên làm nội thất chính là biểu hiện của một phong cách thiết kế tinh tế mà sang trọng. Những đồ vật làm từ chất liệu tự nhiên, tuy thân quen như gỗ thông, mây, tre, nứa,...nhưng vẫn giữ được tính thẩm mỹ cao chính là đặc trưng của yếu tố Shizen trong kiến trúc Nhật Bản.
3. Seijaku (静寂) – Sự tĩnh lặng bên trong
Trong tiếng Nhật, Seijaku có nghĩa là sự yên tĩnh, tĩnh lặng. Phong cách Nhật Bản đề cao cái tĩnh và thường tìm kiếm vẻ đẹp trong sự tĩnh lặng, như những nơi chốn thờ phụng, hay những khu vườn truyền thống, gợi nhớ đến nơi chốn an yên giữa xã hội ồn ào, xô bồ.
4. Fukinsei (不均整) – những điểm “bất đối xứng” cân bằng
Fukinsei (bất đối xứng) khởi nguồn từ Thiền Định (Zen), với quan niệm trân trọng những điều không hoàn hảo. Không có gì là hoàn hảo vẹn toàn, đôi khi chúng ta cần làm quen với những điều không trọn vẹn nhất như ý để có được sự bình yên trong cuộc sống.
Liên hệ đến phong cách thiết kế, người Nhật cho rằng các thiết kế đối xứng thường thiếu đi cảm giác “thật”, thiếu đi sự chuyển động và thanh thoát vốn dĩ của tự nhiên. Kiến trúc Nhật Bản vận dụng yếu tố Fukinsei vào các thiết kế bằng cách tạo ra một điểm bất đối xứng để kiểm soát sự cân bằng trong bố cục toàn cảnh.
Điều này không có nghĩa là mọi thứ trong ngôi nhà của bạn phải lệch nhau, mà sự cân bằng nên được thiết lập trên tiêu chí cân đối giữa sự hoàn hảo và sự bất cân đối, đây là một cách tiếp cận đầy thách thức và sáng tạo hơn của phong cách Nhật Bản.
5. Wa (和) - Sự hài hòa cân đối
Nếu có một đặc điểm tiết lộ bản chất của nghệ thuật thiết kế và cuộc sống của người Nhật nói chung - thì đó chính là sự hài hòa (“Wa” trong tiếng Nhật). Đất nước mặt trời mọc quan niệm mọi việc từ cá nhân cho đến các mối quan hệ; từ cách con người tiếp cận cuộc sống cho đến cách giải quyết công việc đều nên tuân thủ theo nguyên tắc hài hòa, cân đối.
Sự hài hòa trong các mối quan hệ của người Nhật thường được thể hiện thông qua việc con người nơi đây đặt mình vào vị trí của người khác và nghĩ đến lợi ích của toàn nhóm. “Wa” không tồn tại nơi người ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, đó không phải là về “tôi”, mà là về “chúng ta”.
Wa còn là tính từ được sử dụng để mô tả những thứ thuộc về Nhật Bản hoặc theo phong cách Nhật Bản, ví dụ như Wafuku 和服 (trang phục truyền thống Nhật), Washoku 和 食 (ẩm thực Nhật Bản),...và đặc biệt là Washitsu 和 室 (kiểu phòng truyền thống Nhật Bản)
Yếu tố hài hòa được thể hiện qua sự kết hợp của màu sắc trong các thiết kế. Gam màu đặc trưng của kiến trúc Nhật Bản là những màu gắn liền với tự nhiên: màu vàng của đất, màu nâu của gỗ, màu xanh của lá cây, màu trắng của ánh sáng…tất cả đồng bộ thành một không gian thanh bình, dịu dàng.
Với những thông tin trên, dghome hy vọng đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về các yếu tố mỹ thuật được ứng dụng trong kiến trúc Nhật Bản.
Nếu là người yêu thích những phong cách thiết kế nội thất tương tự như phong cách Nhật Bản, bạn có thể tham khảo thêm thư viện mẫu thiết kế nội thất của dghome để tìm thêm cho căn hộ của bạn những ý tưởng thiết kế hay ho và phù hợp nhất nhé!