- 1. Thiết kế nội thất lấy cảm hứng từ biển (Coastal)
- 2. Thiết kế nội thất lấy cảm hứng từ ánh mặt trời (Sunshine)
- 3. Thiết kế nội thất lấy cảm hứng từ hình học (Geometrics)
- 4. Thiết kế nội thất lấy cảm hứng phong vị Trung Hoa (Chinoiserie)
- 5. Thiết kế nội thất lấy cảm hứng từ dòng nhạc Funk (Funky style)
Cảm hứng thiết kế nội thất từ những điều xung quanh bạn
Bạn đã bao giờ thử nhắm mắt lại và hình dung, ngôi nhà trong mơ của bạn sẽ mang dáng dấp, phong cách như thế nào chưa?
Các phong cách thiết kế nội thất hiện đại ngày nay đều dựa trên sở thích, lối sống của chủ nhà.
Việc thiết kế tổ ấm của mình ra sao phụ thuộc rất nhiều vào tính cách - là thứ tồn tại sẵn có trong con người bạn, đó có thể là sự mạnh mẽ hoặc nhẹ nhàng, có thể là sự táo bạo hoặc đơn giản.
Nhưng một điều không kém phần quan trọng đó là cảm hứng của người chủ ở giai đoạn kiến tạo nên ngôi nhà. Một người bạn của tôi sau một chuyến đi phượt tới khu rừng mưa nhiệt đới ở Nam Mỹ, đã bị thu hút bởi mùi hoang sơ của đất đá, của lá cây. Và với quán cafe đầu tiên mà cậu tự mở ra tại đất Mỹ, cậu đã chọn phong cách nhiệt đới để đem vào không gian quán thay vì những phong cách hiện đại khác.
Cảm hứng là thứ không tự dưng tới với bạn mà nó đòi hỏi chúng ta có sự quan sát sự vật, cuộc sống xung quanh để nhận ra mình có hứng thú, đồng cảm với điều gì. Rất nhiều những thiết kế nội thất ngày nay được lấy cảm hứng từ chính những thứ, những khung cảnh hiện diện quanh chúng ta hàng ngày.
Hãy cùng dghome tìm hiểu một số phong cách thiết kế như vậy nhé.
1. Thiết kế nội thất lấy cảm hứng từ biển (Coastal)
Coastal style – là phong cách thiết kế nội thất lấy cảm hứng từ biển cả, mà khởi nguồn của nó là những ngôi nhà ven biển Đại Tây Dương. Phong cách ven biển là vẻ đẹp của sự nhẹ nhàng, quyến rũ cho bạn cảm giác đang ở trong một ngôi nhà kề biển thực thụ, tận hưởng sự thư thái và quên đi bộn bề cuộc sống.
Màu sắc sử dụng trong phong cách thiết kế này có ý nghĩa gợi nhắc về biển: Màu xanh của bầu trời, xanh dương của nước biển, màu be hay màu trắng tinh khôi của cát, màu vàng của nắng… Tất cả đều bổ trợ tạo nên khung cảnh nên thơ và đậm chất năng động của biển cả.
Mọi đồ vật trang trí đều tạo điểm nhấn và giúp nổi bật không gian. Một tấm ván lướt sóng có nhiều hình vẽ độc đáo đặt ở góc nhà. Những lọ thủy tinh sắp xếp ngẫu hứng đặt trên chiếc tủ gỗ. Những chiếc gối sofa in hình sao biển, hay những chiếc vỏ ốc đủ kích cỡ, … sẽ là lựa chọn hoàn hảo trang trí cho căn nhà mang cảm hứng biển của bạn.
2. Thiết kế nội thất lấy cảm hứng từ ánh mặt trời (Sunshine)
Nghe đến ánh mặt trời, chắc chắn điều chúng ta hình dung tới sẽ là những màu sắc ấm, nóng như vàng, cam; và liên tưởng đến một không gian sáng sủa, ấm áp.
Một trong những yếu tố tự nhiên tuyệt đẹp mà chúng ta tận hưởng mỗi ngày là ánh sáng mặt trời. Ánh sáng có thể làm cho bất cứ một không gian nào đều trở nên sống động hơn và ánh mặt trời cũng đã trở thành nguồn cảm hứng được đưa vào thiết kế nội thất.
Ở thành phố Đà Nẵng có một căn nhà như thế. Chủ nhân vốn là người yêu thích thiên nhiên, đặc biệt là ánh nắng nên đã chọn một gam màu rất "nắng" cho ngôi nhà của mình. Ngôi nhà bốn tầng màu vàng tươi đã làm cho cả một con phố trở nên nổi bật và đáng nhớ.
Kiến trúc và nội thất ngôi nhà được thiết kế lấy cảm hứng từ những ngôi nhà ở đảo Burano, vùng Venice, nước Ý, mang phong cách hài hòa giữa hiện đại và dấu ấn vintage. Một hệ cửa sổ kính mở rộng vừa giúp chủ nhân dễ dàng ngắm cảnh bên ngoài, vừa đón ánh sáng, tạo cảm giác hòa nhập với thiên nhiên.
Các đồ nội thất trong nhà cũng được lựa chọn các màu sắc tươi tắn như cam, đỏ, xanh dương thể hiện sự vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Sống trong một căn nhà như vậy, hẳn chủ nhân sẽ luôn cảm thấy một tinh thần tích cực và sẵn sàng chào đón mỗi ngày mới.
3. Thiết kế nội thất lấy cảm hứng từ hình học (Geometrics)
Phong cách thiết kế này lấy cảm hứng từ các khối hình học, từ đơn chiều đến đa chiều, từ những cạnh, góc sắc nhọn, mạnh mẽ sẽ mang lại cá tính và độc đáo cho các thiết kế. Những tác phẩm mang phong cách này luôn tạo ấn tượng mạnh với thị giác người xem, khiến người ta phải tưởng tượng và suy đoán về logic của sự sắp xếp hay ý nghĩa ẩn chứa trong đó.
Việc sử dụng tính toán, sắp xếp các khối hình học một cách hợp lý để tạo ra các công trình kiến trúc độc đáo, mới lạ đã có nguồn gốc từ xa xưa. Chúng ta có thể nhìn lại lịch sử với những công trình kiến trúc vĩ đại có sử dụng phong cách thiết kế hình học Geometrics như: Kim tự tháp Ai Cập, đền đài,…
Ngày nay, các khối hình học vẫn là nguồn cảm hứng vô tận của các nhà thiết kế. Những khối hình học rất đa dạng và có thể biến đổi muôn hình vạn trạng. Chỉ những sự thay đổi nhỏ trong đường nét là có thể tạo ra những hình khối bắt mắt và ấn tượng. Những đường nét hình học tưởng chừng đơn điệu và cứng nhắc, vậy mà khi ứng dụng vào thiết kế nội thất lại tạo đầy chất riêng.
Đối với các món đồ nội thất, phong cách Geometrics có thể thể hiện trên đa dạng các loại đồ vật như tủ, tranh tường, bàn ghế, đèn trang trí, … tạo nên một tổng thể hoàn hảo, độc đáo và đầy tính sáng tạo.
4. Thiết kế nội thất lấy cảm hứng phong vị Trung Hoa (Chinoiserie)
Tuy chúng ta đang sinh sống trên mảnh đất Việt Nam, do những yếu tố về hoàn cảnh lịch sử, không thể phủ nhận rằng trong văn hóa Việt Nam ta ít nhiều có sự ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa.
Vào thế kỷ 18 khi việc giao thương giữa các nước châu Âu và Trung Hoa nở rộ, một xu hướng nội thất mới mang tên Chinoiserie đã ra đời với điểm nhấn là phong cảnh, hoa lá lấy cảm hứng từ những hoạ tiết gốm sứ Trung Hoa. Ngày nay, Chinoiserie tuy đã bước qua thời kỳ cực thịnh của mình và được biến tấu ít nhiều, nhưng nó vẫn giữ một vị trí đặc biệt trong lòng giới đam mê nội thất.
Diện mạo phổ biến nhất của Chinoiserie thời hiện đại chính là sự xuất hiện mềm mại, duyên dáng của những cành cây, chùm hoa thanh tú, thay vì những hoạ tiết long phụng cầu kỳ với nhiều đường nét như thuở ban đầu lúc phong cách này mới ra đời.
Khuôn dáng sản phẩm nội thất cũng đã gột bỏ đi những chi tiết uốn lượn cầu kỳ, những nhũ vàng son thếp đặc trưng của thời phong kiến mà chỉ còn lại những đặc điểm tượng trưng như phần tay nắm hay viền trang trí mang màu sắc Trung Hoa. Có thể nói, tổng thể của Chinoiserie bây giờ là sự hoà trộn của dáng hình phương Đông với tư duy thẩm mỹ phương Tây hiện đại.
5. Thiết kế nội thất lấy cảm hứng từ dòng nhạc Funk (Funky style)
Funk là một thể loại âm nhạc bắt nguồn từ giữa thập niên 1960 khi những nhạc sĩ người Mỹ gốc Phi sáng tạo ra một hình thức âm nhạc nhịp điệu và khiêu vũ được bằng cách pha trộn các dòng nhạc soul music, jazz, rhythm và blues (R&B), làm cho người nghe có cảm xúc chỉ muốn nhảy “tưng tưng” theo nhạc.
Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến giai điệu “(Because I'm happy) Clap along if you feel like a room without a roof. (Because I'm happy) Clap along if you feel like happiness is the truth” của Pharrell Williams vang lên trong một quán rượu vui nhộn, hay ca khúc Uptown Funk sôi nổi dễ thương của chàng ca sĩ Bruno Mars.
Nghe tưởng chừng không liên quan, nhưng sự sôi nổi, trẻ trung của phong cách “Funky” cũng đã trở thành nguồn cảm hứng trong thiết kế nhà cửa tại các nước châu Mỹ, châu Âu. Cũng giống như dòng nhạc Funky, phong cách thiết kế nội thất Funky style này thể hiện sự tươi vui, trẻ trung với những sự sắp đặt, những đồ dùng nội thất đậm cá tính.
Funky Style mang đến không gian nội thất với sự kết hợp giữa gam nóng – lạnh độc đáo. Sắc hồng, tím, đỏ,…kết hợp với cam, xanh…giúp căn phòng năng động, trẻ trung và thậm chí pha một chút hài hước. Màu sắc đa dạng kết hợp với nhau một cách có chủ ý, trong đó thường gam nóng là gam màu chủ đạo.
Chính bởi đặc điểm vui nhộn, cách bài trí nội thất không cần theo quy chuẩn mà tôn trọng sự phá cách, cá tính, bạn có thể thử tham khảo phong cách Funky này để áp dụng cho thiết kế phòng ngủ cho trẻ em. Phối cảnh đa dạng về màu sắc, hình thù là cách tạo hiệu ứng thị giác rất tốt và giúp tư duy của trẻ trở nên linh hoạt.
Thiết kế nội thất là một quá trình không đơn giản. Đôi khi chính chúng ta cũng băn khoăn, chưa rõ mình muốn điều gì cho căn nhà của mình ở thời điểm lên thiết kế cho nó.
Nếu thời gian cho phép, bạn cũng không cần vội vàng phải chốt ngay một phong cách thiết kế cho tổ ấm của mình. Nhà là nơi bạn sẽ sống, sẽ trở về trong một thời gian dài. Bạn hãy tự cho mình thời gian để quan sát xung quanh, trải nghiệm thêm những điều mới mẻ trong cuộc sống. Chính đó sẽ là những lúc bạn tìm ra bản thân mình muốn gì, hay có hứng thú, cảm hứng với những điều gì mới mẻ.
Hãy để việc thiết kế nội thất cho ngôi nhà của bạn trở thành một hành trình sáng tạo, thú vị và để sau khi nhìn lại thành quả, bạn cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với những gì bạn đã tạo nên.
dghome chúc bạn một ngày tốt lành!