4 nguyên tắc thiết kế quan trọng trong thiết kế nội thất
Kiến thức nội thất

4 nguyên tắc thiết kế quan trọng trong thiết kế nội thất

#Thiết kế nội thất #Tips thiết kế nội thất
  • 1. Balance - Cân bằng
  • Cân bằng đối xứng
  • Cân bằng bất đối xứng
  • Cân bằng hướng tâm
  • 2. Focal point - Tạo điểm nhấn
  • 3. Rhythm - Nhịp điệu
  • Nhịp điệu lặp lại đối tượng
  • Nhịp điệu chuỗi đối tượng
  • Nhịp điệu chuyển tiếp đối tượng
  • 4. Contrast - Tương phản

4 nguyên tắc thiết kế quan trọng trong thiết kế nội thất

Những nguyên tắc trong thiết kế, thi công nội thất không chỉ đơn giản là nguyên tắc kỹ thuật, mà còn là những nguyên lý nghệ thuật giúp tạo ra không gian sống thẩm mỹ và cân bằng. Trong quá trình thiết kế nội thất, có 4 nguyên tắc quan trọng mà chúng ta nên áp dụng, cùng dghome tìm hiểu nhé!

Thiết kế nội thất cần sử dụng nhiều nguyên tắc. Nguồn:design.leileier Thiết kế nội thất cần sử dụng nhiều nguyên tắc. Nguồn:design.leileier

1. Balance - Cân bằng

Cân bằng là một nguyên tắc thiết kế quan trọng trong việc phân bổ, bố trí các vật thể, kết cấu, màu sắc và chất liệu trong một không gian xác định. Nếu ví một bản thiết kế nội thất như một cái cân, thì những yếu tố kể trên phải được tính toán, sắp xếp hợp lý để chiếc cân này luôn ở trạng thái cân bằng nhằm tạo cảm giác ổn định cho thiết kế.

Có thể nói, nguyên tắc này đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thiết kế nội thất cho bất kỳ căn phòng hay bất kỳ ngôi nhà nào. Trong thực tế, việc tạo sự cân bằng trong thiết kế nội thất nghe có vẻ phức tạp, nhưng suy cho cùng thì bạn có thể hiểu đơn giản đó là việc quản lý, sắp xếp trực quan các sản phẩm nội thất để có một không gian hài hòa.

Nguyên tắc đối xứng trong thiết kế nội thất. Nguồn: spectrum Nguyên tắc đối xứng trong thiết kế nội thất. Nguồn: spectrum

Lấy một ví dụ sau làm minh họa: “Bạn hãy thử tưởng tượng trong một căn phòng có rất nhiều đồ nội thất to và cồng kềnh, được sắp xếp chỉ trong một khu vực của căn phòng. Còn ở phần còn lại của căn phòng thì có rất nhiều không gian trống và chỉ để vài đồ nội thất nhỏ. Bạn sẽ rất dễ dàng nhận thấy sự không cân bằng trong cách sắp xếp này.”

Sắp xếp không hợp lý sẽ gây mất cân bằng cho căn phòng. Nguồn: hogfurniture Sắp xếp không hợp lý sẽ gây mất cân bằng cho căn phòng. Nguồn: hogfurniture

Vậy làm sao để có thể sử dụng nguyên tắc thiết kế này trong thiết kế, thi công nội thất một cách hiệu quả nhất? Có 3 loại cân bằng mà bạn có thể áp dụng khi thiết kế: Cân bằng đối xứng, Cân bằng bất đối xứng và Cân bằng hướng tâm.

Cân bằng đối xứng

Đây là một trong những cách cân bằng quen thuộc trong giới thiết kế. Cân bằng đối xứng trong thiết kế nội thất nghĩa là một bên sẽ gần như phản chiếu giống hệt bên còn lại. Các đồ nội thất như ghế, bàn và tranh sẽ được sắp xếp và đặt tại các vị trí cách đều nhau.

Tuy nhiên trong thiết kế nội thất hiện tại, loại cân bằng này đã không còn phổ biến như trước đây. Các bạn sẽ dễ dàng bắt gặp kiểu cân bằng này trong các thiết kế nội thất truyền thống, tối giản hoặc tân cổ điển.

Bộ bàn ghế sofa, bàn ăn được sắp xếp đối xứng. Nguồn: dghome Bộ bàn ghế sofa, bàn ăn được sắp xếp đối xứng. Nguồn: dghome

Cân bằng bất đối xứng

Không như cân bằng đối xứng, cân bằng bất đối xứng rất được ưa chuộng trong thiết kế hiện đại và đương đại bởi nó không tạo sự nhàm chán và lặp lại. Cân bằng bất đối xứng sẽ phức tạp hơn bởi vì bạn cần sắp xếp, thiết kế các đồ vật có “trọng lượng” hình ảnh không đồng đều, nhưng vẫn phải đem lại cảm giác cân bằng cho căn phòng.

Sự cân bằng không đối xứng dựa trên sự lặp lại của các hình thức, màu sắc và hình dạng tương tự. Tuy loại cân bằng này khá phức tạp, nhưng nếu làm đúng, không gian của căn hộ sẽ thú vị hơn rất nhiều.

Bất đối xứng nhưng vẫn cân bằng trong thiết kế nội thất. Nguồn: havenly Bất đối xứng nhưng vẫn cân bằng trong thiết kế nội thất. Nguồn: havenly

Cân bằng hướng tâm

Loại cân bằng này sẽ lấy một điểm làm đối tượng trung tâm, và sẽ có các đối tượng khác tỏa ra từ tiêu điểm này. Một số ví dụ đơn giản để bạn hình dung như: hình ảnh mặt trời tỏa ra tia nắng hay bàn ăn tròn với các ghế ăn xếp xung quanh.

Loại cân bằng này bạn có thể không thường thấy, nhưng nếu được thiết kế một cách hợp lý thì sẽ đem lại hiệu quả bất ngờ cho ngôi nhà của bạn.

Từ một tâm tỏa ra những hướng khác. Nguồn: oss.adm.ntu Từ một tâm tỏa ra những hướng khác. Nguồn: oss.adm.ntu

2. Focal point - Tạo điểm nhấn

Khi thiết kế, thi công nội thất, bạn cần quan tâm đến việc tạo điểm nhấn cho căn hộ của bạn. Dù căn hộ có diện tích lớn hay nhỏ, bạn cũng cần sử dụng nguyên tắc thiết kế tạo điểm nhấn để làm tăng tính thẩm mỹ và sự thu hút trong không gian nội thất. Mỗi căn phòng chỉ nên có từ một đến hai tâm điểm, tránh sử dụng quá nhiều sẽ làm rối thị giác và khó tập trung.

Khi bước vào một căn phòng, tâm điểm sẽ là thứ đầu tiên thu hút sự chú ý của bạn. Bạn có thể tạo điểm nhấn bằng việc sử dụng những sản phẩm nội thất với màu sắc hoặc hình dạng nổi bật để thu hút ánh nhìn. Ngoài ra, bạn cũng có thể tận dụng những đồ vật xung quanh để làm nổi bật hơn sản phẩm nội thất mà bạn muốn tập trung vào.

Sofa là tâm điểm của phòng khách. Nguồn: alacritys Sofa là tâm điểm của phòng khách. Nguồn: alacritys

Những quy tắc thiết kế nội thất trên đây chỉ là một phần nhỏ trong việc tạo ra không gian sống đẹp và hài hòa. Quan trọng hơn hết là sự sáng tạo và cảm nhận cá nhân của mỗi người. Bằng cách áp dụng các quy tắc này và đồng thời tự do thể hiện cá nhân, chúng ta có thể tạo ra không gian sống độc đáo và phản ánh cá nhân của chúng ta.

3. Rhythm - Nhịp điệu

Nhịp điệu là một thuật ngữ vô cùng quen thuộc trong phương diện âm nhạc, thể hiện sự lặp đi lặp lại có chu kỳ của âm thanh. Vậy thì nhịp điệu trong phương diện thiết kế nội thất là như thế nào?

Nhắc đến nhịp điệu trong thiết kế, ta sẽ dễ dàng liên tưởng tới sự lặp lại và sự tương phản có quy luật của bố cục hình ảnh. Nguyên tắc nhịp điệu khi được áp dụng vào thiết kế sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị giác của người nhìn khi họ di chuyển tầm mắt xung quanh phòng. Bạn có thể áp dụng bằng cách sử dụng cùng một loại màu sắc hoặc hình dạng đồ nội thất ở các khu vực không gian khác nhau.

Ứng dụng nguyên tắc thiết kế Rhythm trong thiết kế nhà hàng. Nguồn: carr.net.au Ứng dụng nguyên tắc thiết kế Rhythm trong thiết kế nhà hàng. Nguồn: carr.net.au

Tương tự như nguyên tắc thiết kế Cân bằng, trong thiết kế nội thất bạn sẽ thường thấy 3 loại nguyên tắc Nhịp điệu được sử dụng phổ biến nhất là Lặp lại đối tượng, Chuỗi đối tượng và Chuyển tiếp đối tượng.

Nhịp điệu lặp lại đối tượng

Sự lặp lại trong thiết kế là khi bạn sử dụng các yếu tố giống nhau nhiều lần trong phòng. Bạn có thể lặp lại bất kỳ yếu tố nào trong ngôi nhà của mình từ màu sắc, hình dạng, chất liệu, đường nét hay hoa văn,.... Trong thực tế, việc lặp lại màu sắc khá phổ biến khi trang trí nội thất, chẳng hạn như sử dụng một màu nhấn nhiều lần trong phòng.

Sự lặp lại của sản phẩm nội thất. Nguồn: architecturecrew Sự lặp lại của sản phẩm nội thất. Nguồn: architecturecrew

Bạn hoàn toàn có thể tự mình thiết kế một vòng lặp màu sắc bằng cách sử dụng cùng một tông màu đệm cho các sản phẩm nội thất trong phòng. Ví dụ như: khi bạn sử dụng màu trắng cho sofa, bạn nên kết hợp với một chiếc thảm màu trắng và lặp lại lần nữa với các phụ kiện màu trắng khác. Tuy nhiên, việc dùng màu cũng nên tuân thủ nguyên tắc phối màu 60-30-10 để tránh sự rối loạn màu sắc.

Màu trắng chiếm 30% không gian phòng khách. Nguồn: color-meaning Màu trắng chiếm 30% không gian phòng khách. Nguồn: color-meaning

Ngoài việc lặp lại màu sắc, các nhà thiết kế nội thất cũng thường lặp lại đối tượng bằng cách sử dụng cùng một loại chất liệu cho sản phẩm nội thất. Một trong những chất liệu thường được lặp lại nhất trong các kiểu thiết kế tối giản và hiện đại có thể kể đến là chất liệu gỗ.

Việc lặp lại các yếu tố sẽ tạo nên sự gắn kết và nhịp điệu trong ngôi nhà của bạn. Có thể bạn nghĩ rằng việc lặp lại này sẽ tạo cảm giác nhàm chán trong căn phòng, nhưng thực tế việc sử dụng một yếu tố nhiều lần sẽ giúp cho tổng thể căn phòng của bạn trở nên tốt hơn.

Vẻ đẹp của chất liệu gỗ trong thi công nội thất. Nguồn: home-designing Vẻ đẹp của chất liệu gỗ trong thi công nội thất. Nguồn: home-designing

Nhịp điệu chuỗi đối tượng

Một cách khác khi sử dụng Nhịp điệu trong thiết kế, thi công nội thất chính là ứng dụng kiểu nhịp điệu Chuỗi đối tượng. Thuật ngữ này nghe thì có vẻ phức tạp, nhưng thực tế nó lại rất đơn giản. Nhắc đến “Chuỗi đối tượng” là nhắc đến bất kỳ sự thay đổi dần đều về kích thước, màu sắc hoặc hình thức của bất kỳ một sản phẩm nội thất hay một khía cạnh nào đó.

Một ví dụ đơn giản để bạn có thể hình dung việc ứng dụng nguyên tắc thiết kế này chính là một tập hợp các bức tranh được sắp xếp hoàn chỉnh theo kích thước từ nhỏ đến lớn trong phòng khách. Hay, bạn cũng có thể sắp xếp các món đồ nội thất với sắc thái màu dần dần trở nên đậm hơn hoặc sáng hơn trong phòng.

Những bức tranh được sắp xếp có chủ đích. Nguồn: Oleg Mirza Những bức tranh được sắp xếp có chủ đích. Nguồn: Oleg Mirza

Đây là một khái niệm thiết kế đơn giản nhưng lại rất hiệu quả trong việc tạo ra nhịp điệu trong bất kỳ không gian nào.

Nhịp điệu chuyển tiếp đối tượng

Thuật ngữ này nói về cách các yếu tố thiết kế được thiết kế hòa hợp với nhau. Khi người nhìn chuyển tầm nhìn từ điểm này sang điểm khác trong cùng một không gian, tầm nhìn của họ sẽ được tiếp diễn liên tục mà không bị cản trở.

Ắt hẳn nhiều người sẽ muốn căn hộ của mình có sự hài hòa trong phong cách và không muốn thị giác của mình “bị tấn công” khi lia mắt qua các không gian với quá nhiều sự khác biệt. Do đó, khi thiết kế nội thất, bạn cần đặc biệt chú ý đến quá trình chuyển tiếp giữa các phòng hoặc khu vực khác nhau.

Sự chuyển mình của các đường cong. Nguồn: 360propertygroup Sự chuyển mình của các đường cong. Nguồn: 360propertygroup

Một số ví dụ phổ biến về quá trình chuyển tiếp trong thực tế như là: sử dụng phào chỉ trên trần hay sử dụng hệ tủ bếp dài để tạo mạch liên tục trong không gian phòng bếp.

4. Contrast - Tương phản

Nguyên tắc thiết kế này sẽ tạo ra sự cân bằng và sự đặc biệt cho ngôi nhà của bạn. Tùy vào phong cách thiết kế nội thất mà bạn có thể linh hoạt ứng dụng nguyên tắc này sao cho phù hợp. Sự tương phản thường đến từ việc thiết kế đồ nội thất với màu sắc, hình dạng hoặc kiểu dáng đối lập nhau.

Về sự tương phản trong màu sắc, một ví dụ về sự tương phản đặc trưng và rõ ràng mà nhiều nhà thiết kế thường sử dụng chính là màu đen và trắng. Hoặc, bạn cũng có thể lựa chọn các màu sắc đối lập trên bánh xe màu sắc, chẳng hạn như màu tím và màu vàng.

Sự kết hợp giữa 2 màu sắc tương phản. Nguồn: thespruce Sự kết hợp giữa 2 màu sắc tương phản. Nguồn: thespruce

Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp sự tương phản giữa các yếu tố từ phong cách thiết kế nội thất hiện đại và truyền thống. Hai phong cách này khi được áp dụng riêng cho từng căn hộ thì đều đem lại những nét đẹp riêng. Tuy nhiên, nếu thử kết hợp chúng lại với nhau, bạn sẽ tạo ra một hiệu ứng mới lạ và độc đáo.

Thiết kế nội thất truyền thống trong ngôi nhà hiện đại. Nguồn: cityhomepdx Thiết kế nội thất truyền thống trong ngôi nhà hiện đại. Nguồn: cityhomepdx

Những quy tắc thiết kế nội thất trên đây khi được kết hợp với nhau sẽ đem lại những thiết kế sáng tạo đến bất ngờ cho ngôi nhà của bạn. Nếu cảm thấy series này thú vị, bạn đừng quên đón chờ những bài viết tiếp theo của dghome về những nguyên tắc thiết kế này nhé.

#Thiết kế nội thất #Tips thiết kế nội thất
Trụ sở chính:
CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ MC VIỆT NAM
Tầng 5 Saigon Centre, 65 Lê Lợi, P. Bến Nghé, Q.1, TP.HCM
Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh số 0316759192
Copyright © 2024 dghome3d.com. All rights reserved.
Cửa hàng trải nghiệm:
S12 - Tầng trệt Tòa S6.03 - The Origami, Vinhomes Grand Park
Nguyễn Xiển, Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TP.HCM
Hotline: 028 777 29 299
Tải ứng dụng trên điện thoại
qr-code-app