- 1. Nguyên tắc phối màu 60-30-10
- 60% - Màu sắc chủ đạo
- 30% - Màu sắc thứ cấp
- 10% - Màu bổ sung (màu nhấn)
- 2. Cách “vượt rào” khỏi nguyên tắc phối màu 60-30-10
- Thay đổi số lượng màu sắc
- Thay đổi tỉ lệ màu sắc
- Thay đổi cách phối màu
- Vượt quá giới hạn tỉ lệ
Làm sao để "vượt rào" khỏi nguyên tắc phối màu 60-30-10 trong thiết kế nội thất?
Disclaimer: Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn, nếu có sai sót các bạn hãy góp ý nhé.
Chắc hẳn các bạn cũng đã từng nghe hoặc đọc qua về các nguyên tắc cơ bản khi phối màu, đặc biệt là nguyên tắc 60-30-10 và cũng thường thấy các thiết kế nội thất áp dụng nguyên tắc này. Nếu việc áp dụng nguyên tắc này quá nhiều gây ra nhàm chán, thì sao bạn không thử điều chỉnh lại nguyên tắc này xem sao.
1. Nguyên tắc phối màu 60-30-10
Trước khi bắt đầu công cuộc phá cách trong việc biến tấu nguyên tắc 60-30-10 trong thiết kế nội thất, chúng ta hãy cùng phân tích lại nguyên tắc phối màu này có đặc điểm như thế nào.
Nguyên tắc 60-30-10 là một kiểu phối màu trong thiết kế nội thất, bao gồm ba tỷ lệ màu sắc: 60 phần trăm căn phòng của bạn được chi phối bởi một màu trung tính, 30 phần trăm dành cho màu thứ cấp và cuối cùng, 10 phần trăm là màu bổ sung (hay còn gọi là màu nhấn). Dưới đây là cách phổ biến nhất để sử dụng quy tắc 60-30-10.
60% - Màu sắc chủ đạo
Màu sắc này thường được dùng trang trí cho các bức tường trong căn hộ của bạn. Nếu bạn muốn thiết kế nội thất một ngôi nhà với màu sắc hài hòa nhất, thì các bức tường trong phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp cũng nên sử dụng chung một màu.
Bởi vì màu sắc chủ đạo chiếm 60% trong tổng số màu sắc, do đó mọi người thường ưa chuộng sử dụng các màu sắc trung tính làm màu chủ đạo. Một số màu sắc có thể nhắc đến như màu kem, màu trắng, màu vàng nhạt, xanh dương, … Những màu sắc này đều là lựa chọn tuyệt vời nếu bạn đang băn khoăn nên sử dụng màu sắc nào.
Trong thực tế, bạn cũng dễ dàng bắt gặp việc một số gia chủ trang trí một phần nhỏ bức tường của họ bằng những màu sắc đậm như xanh lá cây hoặc xanh lam thay vì màu trung tính. Nhưng màu sắc này cũng thường sẽ hòa hợp với màu sắc chủ đạo của tường, tạo nên nét hay ho trong việc thiết kế nội thất trong căn nhà.
30% - Màu sắc thứ cấp
Màu sắc thứ cấp sẽ chiếm 30% trong nguyên tắc phối màu và thường sẽ có những điểm tương tự với màu chủ đạo. Màu phụ này sẽ không quá đậm nhưng cũng không quá trung tính.
Nếu bạn chọn màu kem hoặc trắng làm màu chủ đạo, thì những màu sắc pastel như vàng nhẹ, xanh lam thường được dùng để làm màu phụ. Những màu sắc này thường được bắt gặp ở các đồ nội thất có kích thước trung bình hoặc nhỏ như thảm, ghế ăn, ga giường,...
10% - Màu bổ sung (màu nhấn)
So với 2 màu sắc ở trên, màu nhấn có mức độ khác biệt hẳn. Không sử dụng các màu trung tính như trên, màu nhấn thường là những màu cực kỳ nổi bật, tạo điểm nhấn trong thiết kế nội thất cho căn phòng của bạn.
Màu nhấn thường được chọn dựa trên màu yêu thích của chủ nhà, nó giúp căn phòng trở nên bớt nhàm chán mà vẫn thể hiện được cá tính của gia chủ. Những màu sắc này có thể sẽ khá tương phản với màu trung tính, nhưng đó lại là sự kết hợp hoàn hảo trong thiết kế nội thất.
Một số màu sắc nổi bật bạn có thể cân nhắc như cam, đỏ, xanh lá cây hoặc tím mộng mơ. Các màu bổ sung này thường được dùng cho các đồ trang trí như tranh ảnh, gối hay các đồ trang trí nhỏ được đặt trên bàn ăn, hay tủ bếp.
2. Cách “vượt rào” khỏi nguyên tắc phối màu 60-30-10
Hầu như mọi người đều đã biết “luật chơi” của nguyên tắc phối màu 60-30-10, tuy nhiên cũng sẽ có một số kẻ nổi loạn và không muốn tuân theo nguyên tắc này. Điều này cũng rất tự nhiên thôi, bởi vì luật lệ sinh ra cũng để phá vỡ mà.
Thay đổi số lượng màu sắc
Như bạn đã biết, khi sử dụng cách phối màu này, bạn chủ yếu sẽ sử dụng 3 màu sắc chính với tỉ lệ lần lượt là 60%, 30% và 10%. Vậy thì cách lách luật đơn giản nhất chính là thêm vào nhiều màu sắc hơn.
Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng bạn phải giữ cân bằng tỷ lệ như trên. Chúng ta chỉ nên “lách luật” để không làm thay đổi bản chất của nguyên tắc phối màu này.
Thay đổi tỉ lệ màu sắc
Vậy nếu bạn muốn làm khó mình hơn việc là chỉ thêm một màu sắc, thì bạn có thể chỉnh lại tỉ lệ màu sắc. Hãy thử bẻ nhỏ tỉ lệ này cho màu sắc thứ tư, ví dụ như tỉ lệ 60-20-10-10, 60-15-15-10 hay thậm chí là 55-25-10-10. Các tỉ lệ này có thể thay đổi linh hoạt nhưng hãy luôn đảm bảo rằng màu sắc chính sẽ luôn chiếm trên 50% nhé.
Một điểm nhỏ lưu ý thêm khi thiết kế nội thất mà bạn cần biết là màu sắc thứ cấp mà bạn chọn, nên có màu hoặc sắc độ tương tự “anh em họ hàng” với màu chủ đạo, chứ không phải màu nhấn. Nếu màu thứ cấp có nét giống màu nhấn, căn phòng của bạn có thể sẽ khá là “nhức mắt” và khiến bạn bị choáng ngợp mỗi khi vào phòng.
Thay đổi cách phối màu
Một cách “lách luật” khác của nguyên tắc phối màu, ngoài việc thay đổi tỉ lệ hay thêm màu sắc thứ tư, bạn hãy thử thay đổi cách sử dụng màu sắc, thay vì sử dụng màu trung tính làm chủ đạo, hãy thử dùng các màu có sắc độ mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận với cách pha màu này của mình nhé.
Vượt quá giới hạn tỉ lệ
Ngoài ra, khi bạn muốn vượt ngưỡng giới hạn khi phối màu trong thiết kế nội thất, hay còn gọi là “phá luật”, thì bạn có thể cân nhắc việc sử dụng 110% màu sắc, thay vì chỉ có 100% màu sắc như cách phối màu ở trên.
Điều này có nghĩa là bạn có thể lựa chọn 60% màu chủ đạo, 30% màu thứ cấp, 10% cho màu nhấn 1 và 10% khác cho màu nhấn thứ 2.
Các cách “vượt rào” khỏi nguyên tắc phối màu cơ bản như trên cũng sẽ giúp căn hộ của bạn trông thật khác biệt. Tuy nhiên, khác biệt theo kiểu đẹp hay không thì cũng cần có chuyên gia tư vấn, vậy thì đừng ngần ngại mà liên hệ với dghome để được tư vấn các phong cách thiết kế đẹp cho căn hộ của bạn nhé.