- 1. Phong cách Gothic là gì?
- 2. Đặc trưng của phong cách thiết kế Gothic
- 2.1 Kiến trúc
- 2.2 Màu sắc
- 2.3 Chất liệu
- 2.4 Ánh sáng
- 3. Cách áp dụng phong cách Gothic trong thiết kế nội thất
- 3.1 Phòng khách
- 3.2 Phòng ngủ
- 3.3 Phòng bếp
- 3.4 Phòng ăn
- 3.5 Phòng làm việc
Phong cách Gothic - Vẻ đẹp ma mị đánh bật mọi định kiến
Phong cách Gothic đã xuất hiện từ thế kỷ XII và đã mang lại cho thế giới một góc nhìn khác biệt về nghệ thuật và cách đánh giá vẻ đẹp. Kiến trúc Gothic nổi tiếng khi xuất hiện trong các nhà thờ tráng lệ, lâu đài nguy nga và các công trình nghệ thuật phức tạp. Phong cách Gothic không chỉ là một trào lưu nghệ thuật, mà nó góp phần thay đổi định kiến về cái đẹp. Cùng dghome tìm hiểu thêm về phong cách thiết kế này nhé.
1. Phong cách Gothic là gì?
Phong cách kiến trúc Gothic được hình thành từ thời kỳ Trung Cổ ở Châu Âu, trong khoảng từ thế kỷ XII đến thế kỷ XVI. Phong cách này được thể hiện bằng các yếu tố kiến trúc cầu kỳ và cách trang trí phức tạp, mang đậm nét đặc trưng tôn giáo và hơi hướng thần bí.
Phong cách thiết kế nội thất Gothic tạo ra một căn hộ độc đáo, phù hợp với những người yêu thích không gian mang tính nghệ thuật cao và có niềm đam mê với các thời kỳ lịch sử châu Âu.
2. Đặc trưng của phong cách thiết kế Gothic
2.1 Kiến trúc
Phào chỉ: Phào chỉ trong phong cách kiến trúc Gothic thường có thiết kế phức tạp và cầu kỳ. Đây là yếu tố thể hiện tính nghệ thuật trong phong cách Gothic. Phào chỉ thường được làm từ gỗ, đá hoặc composite để tạo nên chi tiết tinh xảo và bền bỉ. Màu sắc phào chỉ có thể thay đổi tùy thuộc vào không gian và sở thích.
Hình vòm: Vòng cung là một yếu tố quan trọng trong kiến trúc Gothic. Hình vòm thường được xuất hiện nhiều ở khu vực hành lang, phòng khách để tạo cảm giác sang trọng và bí ẩn. Cửa chính, cửa sổ, lò sưởi là những nơi mà bạn có thể “bắt gặp” sự xuất hiện của hình vòng cung.
Trần cao: Phong cách kiến trúc Gothic thường có trần nhà khá cao, tạo cảm giác rộng rãi và “hoành tráng”. Các trần nhà có thể được trang trí bằng các hoa văn phức tạp, những bức tranh cầu kỳ hoặc được khảm đá nhiều màu nổi bật.
2.2 Màu sắc
Phong cách Gothic thường sử dụng các tông màu tối như đen, nâu sẫm, xám, xanh đậm và đỏ sẫm để tăng thêm cảm giác thần bí. Đôi khi, các màu tương phản như trắng và đen được sử dụng để tạo ra hiệu ứng nổi bật và sự cân bằng trong không gian. Một số chi tiết trang trí trong phong cách Gothic có thể được tô điểm bằng kim loại màu mạ vàng để tạo điểm nhấn và tăng tính sang trọng.
2.3 Chất liệu
Các chất liệu như gỗ, đá và kim loại được sử dụng nhiều trong phong cách kiến trúc Gothic. Gỗ được sử dụng cho các cột, trần, tường và đồ nội thất. Loại gỗ thường được chọn là gỗ cứng như gỗ hoàng đàn, gỗ sưa đỏ và gỗ hương để tạo ra vẻ bền vững và cổ điển. Đá là vật liệu được dùng để tạo điểm nhấn cho các cột, sàn và các chi tiết trang trí.
2.4 Ánh sáng
Ánh sáng tự nhiên: Phong cách kiến trúc Gothic tận dụng ánh sáng tự nhiên thông qua các cửa sổ hình vòng cung. Các cửa sổ này cũng tạo ra hiệu ứng ánh sáng mềm mại và lãng mạn. Nếu cửa sổ được đính đá hoặc sử dụng kính màu sẽ mang lại một khung cảnh đặc biệt và tạo điểm nhấn nghệ thuật cho căn nhà.
Ánh sáng nhân tạo: Đèn chùm thường được sử dụng trong phong cách Gothic. Loại đèn này có thiết kế phức tạp và cầu kỳ, mang đến không gian sống sang trọng và tạo điểm nhấn nổi bật. Đèn chùm có thể làm bằng kim loại mạ vàng hoặc có hoa văn tinh xảo để phù hợp với phong cách Gothic.
3. Cách áp dụng phong cách Gothic trong thiết kế nội thất
3.1 Phòng khách
Phòng khách là không gian quan trọng trong ngôi nhà nên khi áp dụng phong cách Gothic vào thiết kế nội thất có thể tạo ra một điểm nhấn độc đáo.
Để thể hiện rõ nét phong cách Gothic, bạn có thể chọn ghế sofa với thiết kế cổ điển và có nhiều chi tiết hoa văn tinh xảo. Các chất liệu như nỉ, da hoặc vải lụa tối màu để tạo nên vẻ đẹp sang trọng và bền bỉ cho nội thất phòng khách. Đối với bàn, bạn có thể sử dụng bàn có mặt đá hoặc chân bàn làm bằng kim loại mạ vàng để tạo điểm nhấn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các bức tranh trang trí cầu kì hoặc thể hiện được tinh thần của đạo Thiên Chúa Giáo - nguồn cảm hứng của phong cách Gothic. Ngoài ra, đèn chùm và đèn bàn có thiết kế cổ điển với khung kim loại mạ vàng cũng được dùng để tạo điểm nhấn trong không gian phòng khách.
Đọc thêm:
05 lưu ý để chọn mua sofa phòng khách
Bật mí 6 xu hướng thiết kế phòng khách 2023
3.2 Phòng ngủ
Việc áp dụng phong cách Gothic vào thiết kế nội thất phòng ngủ có thể tạo ra một không gian đẹp mắt, lãng mạn và cuốn hút. Một chiếc giường với kiểu dáng cổ điển và hoa văn phức tạp sẽ thể hiện rõ được phong cách độc đáo này.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn các vật dụng nội thất trong phòng ngủ như tủ quần áo, bàn trang điểm, đèn ngủ, ghế sofa,... với kiểu dáng cổ điển và tinh xảo để tăng thêm điểm nhấn cho không gian.
Đọc thêm:
Bật mí 6 cách thiết kế phòng ngủ 2023
Nguyên tắc phối màu cơ bản khi thiết kế phòng ngủ
3.3 Phòng bếp
Để thể hiện được phong cách Gothic, bạn có thể sử dụng đá granite hoặc các loại đá tự nhiên có màu tối để ốp mặt bếp hoặc làm mặt bàn đá. Bạn cũng có thể kết hợp cùng các tông màu đỏ, tím, xanh lục tối và vàng trong không gian bếp để tăng thêm tính chất bí ẩn và huyền bí.
Bếp Gothic thường có các yếu tố kiến trúc cổ điển nên các cánh cửa tủ có họa tiết hoa văn chạm khắc cầu kì. Với các căn nhà có diện tích bếp lớn, thì bạn có thể dùng đèn chùm để tăng thêm sự xa hoa cho khu bếp.
Đọc thêm:
Bật mí 6 xu hướng thiết kế phòng bếp 2023
5 ý tưởng thiết kế nội thất bếp dành cho không gian nhỏ
3.4 Phòng ăn
Trong phòng ăn, hãy chọn bàn ăn có kiểu dáng cổ điển và hoa văn phức tạp. Bàn có thể được làm từ gỗ cứng và trang trí bằng hoa văn cầu kỳ. Bàn có mặt đá cẩm thạch cũng là sự lựa chọn hoàn hảo vì có thể làm tăng sự sang trọng cho không gian.
Bạn cũng có thể sử dụng đèn chùm có thiết kế cổ điển và đèn treo với chất liệu kim loại mạ vàng hoặc đồng để tạo ra ánh sáng mềm và tạo điểm nhấn trong không gian phòng ăn. Đồ trang trí như đèn cầy, đĩa đựng trái cây và nến cũng có thể được sử dụng để tạo ra không gian ấm cúng và tinh tế.
3.5 Phòng làm việc
Phòng làm việc phong cách Gothic thường có bàn làm việc với kiểu dáng cổ điển và sử dụng nhiều đường cong cùng hoa văn trang trí tinh xảo. Bạn cũng có thể sử dụng đèn bàn và đèn treo tường để tạo điểm nhấn trong không gian làm việc.
Kệ sách to và có kiểu dáng cổ điển thường xuất hiện trong phong cách Gothic. Tủ sách cũng có thể được dùng để trang trí và tạo nên không gian trang nhã và “huyền bí”. Bạn có thể chọn các kệ sách được làm từ như gỗ, đá và kim loại trong thiết kế phòng làm việc để tạo ra một không gian hoài cổ và nghệ thuật.
Đọc thêm:
5 bước đơn giản thiết kế phòng làm việc lý tưởng tại nhà
Bật mí 6 xu hướng thiết kế phòng làm việc cá nhân 2023
Phong cách Gothic trong thiết kế nội thất đã trở thành một lựa chọn phổ biến cho những người đam mê vẻ đẹp cổ điển và muốn tạo ra không gian độc đáo và mới lạ. Bằng việc áp dụng phong cách Gothic, bạn có thể tạo ra những không gian nội thất đầy cảm hứng và nghệ thuật.
Tìm hiểu thêm 10 phong cách thiết kế nội thất on-trend cùng nhiều nội dung hấp dẫn khác tại blogs nội thất của dghome nhé.